Lịch Lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Hội An

Ngày Giờ Mô tả
Chúa Nhật 05:30 Lễ sáng
09:00 Lễ thiếu nhi
16:00 Lễ tiếng Anh
18:30 Lễ chiều
Ngày trong tuần Thứ Hai đến Thứ Sáu
05:00 Lễ sáng
  18:30 Lễ chiều
Thứ Bảy 05:00 Lễ sáng
  17:30 Lễ Chúa Nhật

 

Tổng quan về nhà thờ Hội An

Nhà thờ Hội An là một nhà thờ Công giáo tọa lạc tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam thuộc Giáo phận Đà Nẵng. Ngôi nhà thờ hiện tại được xây dựng vào năm 1965, nhưng lịch sử của nó còn kéo dài trước đó nữa vì đây là nhà thờ của giáo xứ được coi là lâu đời nhất Việt Nam.

nha tho hoi an

Lịch sử Nhà Thờ Giáo xứ Hội An

Năm 1615, ba tu sĩ Dòng Tên là linh mục Francesco Buzomi (người Ý), linh mục Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) và tu huynh Antonio Dias (Bồ Đào Nha), cùng hai người Nhật Bản là Jose và Paulo đến Tourain (Đà Nẵng) rồi vào Faifo (Hội An) để truyền giáo cũng như chăm sóc mục vụ cho một cộng đoàn tín hữu Nhật tại đây. Ở Hội An, việc giảng đạo không thuận lợi vì đa phần người Hội An lúc này là người nước ngoài, làm ăn, buôn bán không quan tâm mấy đến việc giảng đạo, vì vậy các nhà truyền giáo đã đến Thanh Chiêm (cách Hội An 10 km) để truyền đạo cho người địa phương. Đến tháng 4 năm 1615 đã có 10 giáo dân ở đây được rửa tội và đến năm sau, con số này đã lên tới hơn 300 người. Khi thấy công việc ở đây trôi chảy, các giáo sĩ truyền giáo đã quyết định ở lại đây để phát triển công việc truyền giáo.

Ngày 18 tháng 1 năm 1616 giáo sĩ người Ý Francisco Busomi thành lập giáo xứ Hội An và xây dựng nhà thờ ở Hội An.

Năm 1914, một số giáo dân đã sửa và xây dựng lại nhà thờ mới bằng tranh, gỗ. Năm 1935, nhà thờ được thay thế bằng ngôi nhà thờ kiên cố theo kiểu kiến trúc Gothic. Năm 1965, ngôi nhà thờ này bị gỡ bỏ và thay vào đó là ngôi nhà thờ mới với kiểu dáng như hiện nay.

thieu nhi thanh the giao xu hoi an

Kiến trúc Nhà Thờ

Nhà thờ tọa lạc tại số 02 đường Nguyễn Trường Tộ (thời Pháp gọi là đường Gouverneur Général Cherles), có khuôn viên rộng, xung quanh có tường rào xây bằng gạch. Nhà thờ Hội An có cổng tam quan cách điệu hình mái nhà, đỉnh cổng có đặt hình cây Thánh giá. Sau cổng có sân rộng. Bên trái sân là một hang đá lớn dưới tán cây cổ thụ, bên phải sân đồi cỏ – giả sơn và khu mộ các giáo sĩ Phương Tây.

Nhà thờ được xây dựng theo kiểu kiến trúc Gothic, kết hợp với lối kiến trúc nhà truyền thống của Hội An. Nội thất bên trong nhà thờ được phân thành 3 không gian chính với các chức năng như khu vực dành cho giáo dân ngồi, cung thánh và phòng áo.

Khu dành cho giáo dân ngồi có bốn dãy ghế, trên tường khu treo các bức phù điêu mô tả hành trình khổ nạn của Chúa Jesus. Khu Cung thánh thiết kế cao hơn xung quanh, chính giữa là bàn lớn dùng để cử hành Thánh lễ, được đặt trên nền cao với ba bậc cấp Sát tường phía sau cung thánh là Thánh giá và tượng Chúa Cứu Thế. Phòng áo nằm ở phía sau Cung thánh, là nơi cất giữ y phục hành lễ của linh mục và trang phục của các lễ sinh. Toàn bộ nhà thờ được lắp hệ thống gương màu thể hiện không gian thiêng liêng hơn, thanh thoát hơn.

Khu mộ các giáo sĩ phương Tây

Khu mộ các giáo sĩ phương Tây nằm trong khuôn viên nhà thờ Hội An. Đây là một trong số những di tích hiếm hoi còn lại ở Hội An liên quan đến quá trình truyền bá đạo Công giáo của các giáo sĩ Dòng Tên hoặc Dòng Thừa sai phương Tây tại Việt Nam đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Tại khu mộ, ngoài 3 ngôi mộ được chính quyền thị xã Hội An cải táng về năm 1980 , còn có 2 ngôi mộ được lập trước đó. Khu mộ phân thành hai dãy: dãy mộ trong cùng gồm 3 ngôi mộ là nơi an nghỉ của các giáo sĩ Gulielmo Mahot, Franxico Perez và Valere Rist. Dãy mộ gần cổng gồm có hai ngôi mộ, ngôi mộ nằm phía bên phải là nơi chôn cất của linh mục người Việt Phao Lô Nguyễn Tưởng. Ngôi mộ còn lại là mộ giáo sĩ Pierre Auguste Galloz, người Pháp.

Di tích lịch sử

Ngày 7 tháng 4 năm 2008, nhà thờ Hội An và khu mộ các giáo sĩ phương Tây, thuộc phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Hải ký quyết định công nhận danh hiệu Di tích Lịch sử và Văn hóa cấp tỉnh-Thành phố. Nhà thờ Hội An từng là nơi cư trú, truyền giáo cho các giáo sĩ Dòng Tên, Hội Thừa sai Paris ở Đàng Trong. Đây cũng là nơi học tiếng Việt của các giáo sĩ và phát triển chữ Quốc ngữ và là nơi giao lưu, tiếp xúc văn hoá Đông – Tây tại Hội An. Nhà thờ cũng thường được các giáo sĩ tập trung những lễ vật là sản phẩm của nền khoa học phương Tây để dâng tặng cho các Chúa Nguyễn.

Thông tin Linh Mục

Vào đầu thế kỷ 20, các linh mục thừa sai Paris quy tụ các giáo dân còn sót hoặc có công ăn việc làm tại Hội An như một họ nhánh của Trà Kiệu. Theo sự tìm hiểu của linh mục Phêrô Lê như Hảo : “ Mãi tới năm 1914, một số giáo dân quy tụ về mới dựng được một nhà nguyện trên một gò hoang, gần khu nghĩa trang, nhưng không có linh mục phụ trách. Thỉnh thỏang mới có cha ở Phước Kiều về dâng thánh lễ” ( Tư liệu Hội An công giáo, kỹ niệm 385 năm ,lm Lê Như Hảo, trang 7) Linh mục phụ trách vùng nầy lúc bấy giờ là Joseph Lalanne tức cố Lân, cha sở họ Trà Kiệu và các vùng phụ cận. Tiếp theo là linh mục Pierre Auguste Gallioz MEP tức cố Thiết, coi sóc họ Phước Kiều và Vĩnh Điện, La Nang , Hội An.

1. NHIỆM KỶ LINH MỤC PIERRE AUGUSTE GALLIOZ THIẾT (1935- 1953)
Đến năm 1935, linh mục Gallioz chính thức xây dựng kiên cố nhà thờ Hội An bằng gạch đá với hai ngôi tháp xinh xinh. Năm 1938, linh mục Gallioz được chấp thuận cho nới rộng khu đất nằm trên ba con đường Gouverneur Général Charles,( Nguyễn Trường Tộ) Oscar Mouliè ( Lý Thường Kiệt) và Pasteur. Ngài lập cô nhi viện chăm sóc các em mồ côi. Năm 1953, quá lao tâm lao lực, ngài đã qua đời và được an táng tại khu nghĩa trang bên cạnh nhà thờ.

2. NHIỆM KỶ LINH MỤC PHAO LÔ NGUYỄN TƯỞNG

Phaolo Nguyễn Tưởng
Linh mục Phaolô Nguyển Tưởng .

Linh mục Phao lô Nguyễn Tưởng, gốc xứ Nhà Đá , Bình Định làm quản xứ tiếp tục công việc của các linh mục thừa sai Paris. Đây là thời kỳ hoàng kim của Giáo xứ. Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, hòa bình trở lại trên vùng đất Quảng Nam, giáo xứ Hội An trở nên một vị trí thuận lợi vì nơi đây là thủ phủ hành chánh tỉnh Quảng Nam. Từ thời Đức Cha Phêrô Maria làm giám mục Qui Nhơn, phong trào tòng giáo ở rộ. Số giáo dân vụt tăng cao với những anh em tân tòng các vùng Cẩm Hải, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Bàn Thạch, Cẩm Châu, Cẩm Hà, Vĩnh Xuân… Các linh mục trong vùng như cha Phaolô Võ Hữu Tư ( La nang), Giacôbê Nguyễn Đình Thuận ( Vĩnh Điện), Phanxicô Nguyễn Quang Sách ( Xuyên Quang), Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn ( Phú Hương) tiếp tay giúp đở… . Nhà cô nhi Hội An nới rộng đến 6000 mét vuông và các nữ tu Dòng Thánh Phaolô như Sr Florence hoạt động năng nổ. Cha Tưởng xây trường Tiểu học Chân Phước Thiện . Các phong trào thanh niên công giáo , Hùng Tâm sinh hoạt đền đặn.

Song song với Hội An, họ Lê Lợi do linh mục Antôn Bùi Ngọc Trợ ( gốc Hà Nội ) thành lập từ năm 1954 dành cho giáo hữu miền Bắc di cư cũng hoạt động mạnh với nhà thờ, nhà xứ, phòng phát thuốc miễn phí, xây dựng Trường trung Tiểu học Lê bảo Tịnh hơn 500 học sinh.

Từ khi Đức Cha Phêrô Maria về làm giám mục Đà Nẵng năm 1963, Hội An trở thành Giáo hạt Hội An gồm : Hội An, Vĩnh Điện, La Nang, Ái Nghĩa, Phú Hương, Ô Gia, Hoằng Phước, Hà Tân. Các giáo xứ phía Nam sông Thu Bồn, từ Trà Kiệu trở vào còn thuộc hạt Tam Kỳ.

Cuộc đảo chánh lật đổ nền Đệ Nhất Cọng Hòa cuối năm 1963, lụt lớn năm Thìn 1964, chiến tranh leo thang năm 1965 gây nhiều tổn thất cho giáo xứ. Giáo dân tân tòng bị các nhóm “cách mạng 1963” đánh đập, giết chết, phải lưu tán, ngược lại Hội An lại trờ thành nơi thu hút dân chạy loạn từ vùng quê Quảng Nam. Tại Cẩm Hà cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri xây dựng một nhà thờ dành cho giáo dân tỵ nạn lụt lội và chiến tranh.

Cha Phaolô Tưởng hoạch định nhiều công trình lớn như việc xây dựng nhà thờ mới nhưng ngày14 tháng 4 năm 1964, ngài đột ngột qua đời đang khi ngủ. Linh mục Phaolô Võ Hữu Tư , cha sở La Nang được Bề trên yêu cầu kiêm nhiệm Hội An cho đến 1965.

3. NHIỆM KỶ LINH MỤC GIUSE LÊ VĂN LY ( 1965- 1970)

Năm 1965, Cha Giuse Lê Văn Ly , gốc Trà Kiệu từ Hà Tân về làm chính xứ Hội An. Lúc đó nhà thờ Hội An cũ chỉ có diện tích 144 mét vuông không đủ chổ cho giáo dân mỗi ngày một đông nên năm 1965 cha Giuse đã cho phá nhà thờ 1935 xây lại nhà thờ mới trên nền cũ với diện tích 720 mét vuông tồn tại đến nay. Vì nằm ngay đầu phi đạo, nên chính quyền cũ không cho làm tháp chuông, sợ tai nạn máy bay.

Các linh mục phụ tá tăng cường gồm có Linh mục Antôn Trần Văn Trường, Giuse Vũ Dần, Phanxicô Xaviê Trần Quang Châu, Gioan Baotixita Đào Duy Khải. ( tuyên úy phụ trách Cẩm Hà).

Năm 1970, cha Giuse Lê Văn Ly nhậm xứ An Hải.

4. NHIỆM KỶ LINH MỤC PHAOLÔ TRƯƠNG ĐÁC CẦN ( 1970 – 1974)
Linh mục Phao lô Trương Đắc Cần , gốc Gia Hựu, Bình Định được chuyển về Hội An. Tuy đang thời kỳ chiến tranh, với tinh thần trẻ trung , hiểu biết và cầu tiến, ngài cũng cố cơ sở vật chất như làm tường rào, cổng nhà thờ, mua lô đất 3200 mét “Cây Xăng” của tộc Trần Thanh với giá 170.000 đồng ( trên 20 cây vàng vào thời điểm đó). Ngài quan tâm giới trẻ , giáo dục thanh thiếu niên, dạy nghề , tạo công ăn việc làm và nhiều công tác cứu trợ giúp ngưới nghèo, nạn nhân chiến tranh..

5. NHIỆM KỲ LINH MỤC PHÊRÔ LÊ NHƯ HẢO.( 1974 – 2003)
Năm 1974, linh mục Phêrô Lê Như Hảo, gốc Phú hạ, quản xứ Trà Kiệu, được thuyên chuyển về Hội An. Với tài thao lược sẳn có, ngài bắt đầu thực hiện nhiều dự án như nhựa hóa sân nhà thờ, làm hang đá Đức Mẹ v.v. Nhưng biến cố 1975 đã khiến bộ mặt giáo xứ đổi đời. Di tản chiến thuật, di tản chiến tranh, di tản kinh tế, di tản chính trị…đã khiến thị xã Hội An tiêu điều và giáo dân từ 2.216 tụt xuống con số dưới 1000. “ Tiềm năng nhân sự xuống cấp . Hoàn cảnh xã hội đòi hỏi khả năng xoay xở của Cha, sự kiên trì chịu đựng và sự hy sinh công của lo cho giáo dân và một số đồng bào nghèo..Dù không gặp thuận tiện như các vị tiền nhiệm, Cha đã cố gắng vận động tài chánh đề lo trùng tu nhà thờ, hang đá Đức mẹ, các ngôi mộ của các giáo sĩ truyền giáo tiên khởi, mở rộng nhà xứ để có địa điểm sinh hoạt…” ( Trích Hội An công giáo trang 11,12)

Giáo xứ mất hầu hết ruộng đất, cô nhi viện, trường học, đất đai giáo họ Lê Lợi… trong chế độ mới. Nhẫn nại, ngài hướng dẫn giáo dân vào cuộc sống đất nước bằng tinh thần đối thoại, tôn trọng lẫn nhau giữa đạo đời và các tôn giáo bạn . Tuy kinh tế khó khăn năm 1995, ngài xây dựng tháp chuông và những công trình nội thất nhà thờ. Một công trình quan trọng khác là nhà xứ Hội An và “ giảng đường giáo lý”.

Ngài kiên trì chấp nhận mọi sự theo thánh ý Chúa. Khi đất nước đi vào giai đoạn đổi mới, năm 2000, phố cổ Hội An trở thành Di sản Văn hóa thế giới, du khách tìm đến và Hội An trở nên phồn thịnh, giàu có, sinh hoạt của giáo xứ Hội An cũng thuận lợi hơn. Vào năm Thánh 2000, cha Phêrô đã đón tiến các đoàn hành hương và triển lãm tài liệu lịch sử liên quan đến Giáo xứ Hội An.

Do tuổi già, sức yếu, ngài đã nghỉ hưu vào năm 2003, sau 29 năm chia sẻ buồn vui với giáo xứ Hội An.

6. NHIỆM KỶ LINH MỤC BONAVENTURA MAI THÁI ( 2003-2006 )
Một linh mục vừa du học Pháp Quốc về đã được Đức Cha Phaolô Tịnh điều đến thay thế cha Phêrô : linh mục Bônaventura Mai Thái, quê Thanh Bình, Đà Nẵng. Với sức trẻ và hiểu biết, ngài được nhiều người ủng hộ trong chương trình canh tân.

Về vật chất, ngài quét vôi lại thánh đường, lớp lại mái ngói, kiện toàn hệ thống âm thanh cho ca đoàn , xây dựng “ ngôi nhà sinh hoạt mới khang trang” kiên cố bên hông nhà thờ . Về phần hồn, cũng cố lại các giáo khóm, các đoàn thể, đặc biệt là Legio Mariae, giới trung niên và hợp thức hóa nhiều đôi hôn nhân.

Biên bản bàn giao ngày 28 tháng 10 năm 2006 cho biết giáo xứ có 1.225 người và 384 hộ.

Tháng 10 năm 2006, ngài được điều động về giáo xứ “ anh cả” Thanh Đức tại Đà Nẵng.

7. NHIỆM KỶ LINH MỤC ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG (2006- ? )
Tháng 11 năm 2006, linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng, gốc An Ngãi và Tôma Võ Minh Danh, gốc An Sơn được được Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, vừa được thụ phong Giám mục Đà Nẵng, điều về coi sóc Giáo xứ Hội An. Một thời gian ngắn sau đó, Đức cha Giuse giao thêm Giáo họ Phước Kiều, Gò Nỗi. Giáo xứ Hội An, bổng nhiên trở thành một xứ với diện tích trên 25 cây số vuống từ Điện Ngọc, qua Cửa Đại, đến Văn Ly (Điện Quang, Gò Nỗi).

Hai cha tiếp tục sự nghiệp của các vị tiền nhiệm.

Công tác trùng tu ,xây dựng cơ sở vật chất, từ thiện bác ái.
Ba năm qua tu sửa hang đá Đức Mẹ, đường khuyết tật, trải nhựa sân nhà thờ, xây mới tầng hai phòng thánh, bốn phòng giáo lý., lư hương công giáo. Mua đất Phước Kiều ( 800 mét). Sửa chữa đền thánh Phước Kiều. Nhà Nước cho nhận lại 2700 mét đất “ Cây Xăng”.

Xây dựng 23 căn nhà Đồng Tâm trong đó 5 gia đình không công giáo.

Cộng đoàn nữ tu Phao lô thuốc tỉnh dòng Đà Nẵng với cộng đoàn Đắc Lộ tiếp tục phục vụ trong ngành giáo dục, phụng vụ và công tác từ thiện, giúp đỡ các gia đình khó khăn, tìm học bổng cho trẻ em nghèo và duy trì nồi cháo tình thương từ nhiều năm.

Ơn gọi không nhiều , hiện nay có một thầy Đại chủng sinh, một số nữ tu Mến Thánh Giá và tập sinh các dòng.

Tuy là thành phố du lịch nhưng giáo dân thành đạt kinh tế không nhiều, đa số có công việc rất khiêm tốn.

KẾT LUẬN
Tháng 12 năm 2008, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam công nhận Nhà thờ và Khu mộ Giáo sĩ Hội An là Di tích văn hóa cấp tỉnh Quảng Nam tại thành phố Hội An ( Di sản văn hóa thế giới) nhưng cơ sở giáo xứ còn khiêm tốn , chưa đủ khả năng quảng bá, thua xa các di tích Phật giáo.

Đối với ngưới công giáo Việt Nam và toàn cầu , Giáo xứ Hội An xứng đáng là di sản đức tin công giáo thế giới. Nơi đây từ thế kỷ 17 đã có bao nhiêu vị truyền giáo “ra đi không hẹn ngày về” chỉ vì mục tiêu làm sáng danh Chúa, cứu rỗi mọi người theo lệnh của Chúa Cứu Thế “ Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế giới” Mc 16,19.

Giáo xứ Hội An xứng đáng là nơi tìm về của nhiều dân tộc công giáo Nhật, Bồ Đào Nha, Avignon (lãnh địa Đức Giáo Hoàng), Trung Quốc, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Pháp, Ý, Đức, Tiệp Khắc…những nước đã cung cấp nhiều giáo sĩ cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam vào thế kỷ 17, 18, 19, 20.

Giáo xứ Hội An hôm nay tuy bé nhỏ nhưng nhờ lịch sử lâu dài đáng gọi là “ Giáo xứ đầu đàn, cái nôi của Giáo Hội Việt Nam”. Chưa đầy năm năm nữa, giáo xứ chính thức mừng 400 năm. Giáo phận Đà Nẵng nói riêng và Giáo Hội Việt Nam phải làm gì cho xứng với lịch sử hào hùng của các bậc tiền bối tại vùng đất Quảng, thành Đà nầy?

Hội An ngày 02 tháng 8 năm 2010.

Bài viết nhân ngày hành hương Năm thánh 8-8-2010 tại nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng.

Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng
Quản xứ Hội An.

theo nhathoconggiao.com


Thông tin du lịch hữu ích: Thuê xe máy Hội An

Hình ảnh giáo xứ hội an

Đây là thông tin được tổng hợp trên internet, nếu có bất kỳ vấn kỳ liên quan về bản quyền hình ảnh, nội dung quý anh chị em xin vui lòng cho chúng tôi biết. Cảm ơn!

5/5 - (5 votes)