Đây là thông tin được tổng hợp trên internet, nếu có bất kỳ vấn kỳ liên quan về bản quyền hình ảnh, nội dung quý anh chị em xin vui lòng cho chúng tôi biết.
- Địa chỉ: 69 Nguyễn Tất Thành,tt. Ái Nghĩa,h. Đại Lộc,t. Quảng Nam
- Chánh xứ: Linh Mục Giuse Lê Thiện THUẬT (4/12/2018)
- Năm thành lập: 1930
- Bổn mạng: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
- Số giáo dân: 1326
Lịch giờ thánh lễ giáo xứ Ái Nghĩa – Địa Phận Đà Nẵng
- Chủ nhật: 6:30 sáng
Giới thiệu nhà thờ Ái Nghĩa – Địa Phận Đà Nẵng
Nhà thờ Giáo xứ Ái Nghĩa tọa lạc ngay trung tâm Thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 22km về hướng Tây-Nam, trên tả ngạn sông Vu Gia, con sông đã chảy qua địa phận giáo xứ Hà Tân trước đó. Dòng sông nổi tiếng này bắt nguồn từ vùng núi ở phía Tây-Nam tỉnh Quảng Nam và Tây- Bắc tỉnh Kontum. Ở thượng nguồn chảy qua huyện Phước Sơn, dòng sông mang tên là Sông Đak-mi, khi chảy đến huyện Nam Giang, được gọi là sông Cái, khi đổ vào địa phận huyện Đại Lộc, lại đổi tên thành Vu Gia và chia làm hai nhánh: một ra hướng Bắc để thành sông Yên hội lưu với sông Cầu Đỏ, nhánh khác đi về hướng Nam, hợp lưu với sông Thu Bồn.
Dòng sông này vốn là huyết mạch kiến tạo nên cuộc sống của đông đúc dân cư vùng đồng bằng do phù sa của nó tạo ra, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng. Trong những năm gần đây, hệ thống thủy lợi chằng chịt khai thác dòng chảy của con sông vùng thượng lưu đã làm đảo lộn cuộc sống vùng hạ lưu bằng những trận lụt khủng khiếp hằng năm do các hệ thống thủy lợi xả lũ, ảnh hưởng nặng nề sinh thái và sinh hoạt của người dân, thậm chí còn có những cảnh báo sẽ làm cạn kiệt dòng sông này.
Giáo dân Ái Nghĩa phân bố dọc theo dòng sông Vu Gia này, nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sự lớn mạnh về mọi mặt của Giáo xứ trong những tháng năm qua là điều ai cũng phải nhìn nhận, cùng 3 giáo xứ khác cũng thuộc huyện Đại Lộc là Phú Hương, Hoằng Phước và Hà Tân. Sắp tới, tiến trình để hình thành Tân Giáo xứ Đại Hiệp lại rõ nét hơn bao giờ hết, khi Cha Quản xứ và giáo dân Ái Nghĩa đang nỗ lực để xây đắp nền tảng cho giáo xứ mới này bằng việc chuẩn bị cho mọc lên một ngôi nhà thờ trên vùng đất Đại Hiệp, sát quốc lộ 14B hướng về thành phố Đà Nẵng.
Hình thành và phát triển
Vào năm 1917, tại Nghĩa Nam, hình thành nhóm giáo hữu đầu tiên gồm 14 gia đình tân tòng, được rửa tội tại La Nang và La Tháp. Đến năm 1923, Cha Phê rô Nguyễn Đăng Khoa cùng thầy Lê Văn Kim thuộc xứ đạo La Nang rửa tội thêm cho 30 gia đình khác, thuộc Ấp Nhất làng Ái Nghĩa, nay là thôn 7 xã Đại An. Ngôi nhà nguyện đầu tiên được xây dựng tại đây vào năm 1926 với khoảng 60 gia đình. Năm 1930, Giáo xứ Ái Nghĩa chính thức được công bố, vưới Cha Giuse Bùi Công Đức là Cha Quản xứ tiên khởi.
Đến Năm Thánh 2010 này, Giáo xứ kỷ niệm trọn 80 năm thành lập và trải qua 15 đời Quản xứ, và chỉ non phân nửa qua đời:
- Cha Bùi Công Đức: 1930 – 1936.
- Cha Giuse Nguyễn Văn Ái: 1936 – 1941.
- Cha Alêxu Ngô Trung Hậu: 1941 – 1944.
- Cha Giuse Đặng Ngọc Châu: 1944 – 1946.
- Cha Phêrô Trịnh Hoài Ân: 1946 – 1957.
- Cha Bonaventura Nguyễn Văn An: 1957 – 1964.
- Cha Phaolô Nguyễn Văn Thái: 1964 – 1970.
- Cha Phêrô Tống Kiên Hùng: 1970 – 19171.
- Cha Augustinô Phạm Minh Tri: 1971 – 1972.
- Cha Giuse Vũ Văn Trúc: 1972 – 1975.
- Cha Giuse Nguyễn Văn Cử: tháng 5 – 7 năm 1975.
- Cha Andrê Tôn Thất Phái: tháng 7 -1975 – 1990.
- Cha Phaolô Đoàn Quang Dân: 1990 – 2001.
- Cha Phêrô Lê Hưng: 2001 – 2005.
- Cha Giacobe Hứa Hùng Quang: 05/9/2005 đến nay.
Ngôi Thánh đường với nhóm giáo dân gồm 60 gia đình tòng giáo đầu tiên được xây dựng tại Nghĩa Nam. Năm 1934, ngôi Thánh đường này được chuyển từ Nghĩa Nam về Nghĩa Đông để tiện việc giao thông. Cha quản xứ tiên khởi Giuse Bùi Công Đức đã đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong những khu vực lân cận, nhiều chi họ mới được thành lập như Đại lợi, Đức Hoà, Phú Quí, Đại Cường v.v…
Năm 1936 cha Giuse Nguyễn Văn Ái, xuất thân An Ngãi, được bổ nhiệm làm Cha sở Ái Nghĩa. Trong giai đoạn nầy, Cha Ái tiếp tục công cuộc truyền giáo đến những địa bàn xa hơn. Năm 1941, Cha Alexis Ngô Trung Hậu, quê Phú Thượng về coi xứ đến năm 1944. Ngài xây dựng một số nhà thờ họ, và tiếp tục ổn định và phát triển Giáo xứ.
Năm 1944, Cha Giuse Đặng Ngọc Châu về làm quản xứ, Ngài dời Nhà thờ từ Nghĩa Đông về thị trấn Ái Nghĩa, vị trí Nhà thờ cho đến nay, đưa Giáo xứ vào một giai đoạn mới. Nhưng chẳng may, Cha đã bị mìn chết năm 1946 trong cuộc chiến tranh chống Pháp, trong lúc đi làm công tác mục vụ. Tiếp bước Ngài, Cha Phêrô Trịnh Hoài Ân về nhận xứ. Vào thời điểm này, phong trào Tông đồ Giáo dân hoạt động rất mạnh, nhiều người được huấn luyện trở thành giáo lý viên dự tòng, cộng tác đắc lực với Cha xứ, nên công cuộc truyền giáo được đẩy mạnh một bước rất dài. Cha Ân còn là thầy thuốc Đông y gia truyền, chữa bệnh cho nhiều người, nên bản thân Ngài cũng cuốn hút những người dự tòng trở lại.
Năm 1957, Cha Bonaventura Nguyễn văn An về làm quản xứ. Việc đầu tiên là xây dựng lại Nhà thờ Giáo xứ, đã trở nên quá chật hẹp do số giáo hữu tăng lên rất nhanh. Cha cũng cho xây nhà xứ, trường học… và công cuộc rao giảng Tin Mùng được mở rộng. Cha đã cho xây dựng nhà nguyện tại Bộ Bắc và Giao Thuỷ thuộc xã Đại Hoà. Riêng tại khu vực xã Lộc Chánh thời bấy giờ, nay là xã Đại Hiệp, có đến 05 ngôi Nhà nguyện với gần 300 tân tòng được chịu phép rửa tội một lần, nâng tổng số giáo dân trong giáo xứ lên đến khoảng 3.000 người. Ngài cũng rất quan tâm đến công tác xã hội, cho xây dựng đập chứa nước để chủ động hơn trong việc gieo trồng, mở lò gạch tạo công ăn việc làm cho giáo dân.
Năm 1964, Cha Phaolô Nguyễn Văn Thái được bổ nhiệm làm quản xứ thay cha An. Cha Phaolô cho mở rộng trường học, thành lập các hội đoàn, đặc biệt Ngài rất quan tâm giúp đỡ những người nghèo đói, bệnh tật trong vùng. Thời kỳ nầy, chiến tranh trở nên khốc liệt hơn, giáo dân phải rời bỏ vùng quê để tìm nơi tạm cư an toàn hơn và công ăn việc làm tại các vùng đất ven thành phố, tập trung nhiều nhất tại Hòa Khánh, trong các giáo xứ di cư như Phước Thành, Phước Nghĩa… Số giáo dân còn lại trong xứ giảm nhiều.
Từ năm 1970 đến 1975, vào giai đoạn cuối của chiến tranh, lần lượt các Cha Tống Kiên Hùng, Cha Phạm Minh Tri, Cha Vũ Văn Trúc thay nhau về coi sóc Ái Nghĩa. Ảnh hưởng chiến tranh vẫn còn nhiều, nhưng các Ngài vẫn cố gắng hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau để phát triển giáo xứ và giúp đỡ dân chúng trong vùng. Các Ngài tiếp tục xây dựng các hội đoàn, cho xây thêm Trường Bảo Lộc, mở các lớp huấn nghệ, phát triển hệ thống Caritas, tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miển phí v.v.
Tháng 5 năm 1975, cha Giuse Nguyễn Văn Cử được bổ nhiệm về làm quản xứ, nhưng chỉ 2 tháng sau, Ngài được cử về Phú Hương gần đó, thay thế Ngài là Cha Andrê Tôn Thất Phái được bổ nhiệm làm quản xứ Ái Nghĩa. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của Giáo xứ về mọi phương diện, từ vật chất đến tinh thần. Bên cạnh những gian khổ vì cuộc sống vật chất thiếu thốn, đói khổ, mọi sinh hoạt tôn giáo chỉ được phép thu gọn trong khuôn viên nhà thờ, với nhiều hạn chế khắt khe. Dầu âm thầm, nhưng sinh hoạt đạo không kém mạnh mẽ, giáo xứ như được bàn tay Mẹ Maria, Quan thầy của giáo xứ, nâng đỡ chở che cách đặc biệt.
Điều kiện xã hội có phần thoang thoáng hơn, năm 1990, Cha Phaolô Đoàn Quang Dân, một trong những linh mục được chịu chức đầu tiên sau năm 1975, được bổ nhiệm về thay cha An-rê làm Quản xứ Ái Nghĩa. Dầu mới mẻ, Cha Phaolô không ngại gian khổ, đã bắt tay vào việc tái thiết và phát triển giáo xứ về mọi phương diện. Ngài củng cố giáo lý cho giáo dân, tiến hành xây dựng nhà thờ mới khang trang ngay giữa lúc khủng hhoảng giá cả vật liệu. Ngài cũng cho xây dựng đài Đức Mẹ, Thánh Giuse, tu sửa nhà xứ, xây dựng tháp chuông, đến tường rào cổng ngõ v.v… Trong thời kỳ, nầy một số đông giáo dân sau năm 1975 nguội lạnh nay lần lượt quay trở về với Giáo Hội.
Năm 2001, Cha Phêrô Lê Hưng về làm quản xứ. Dáng thư sinh yếu ớt, nhưng tinh thần rất mạnh mẽ. Cha Phêrô tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm, xây dựng lại nhà xứ và nhà giáo lý khang trang như hiện nay, qui tụ giáo dân ngày một đông hơn.
Năm 2005, Cha Giacobê Hứa Hùng Quang từ Hà Tân theo dòng Vu Gia về làm Quản xứ Ái Nghĩa. Cơ sở vật chất tương đối sẵn sàng, Cha chú tâm cách đặc biệt vào việc dạy giáo lý cho thiếu nhi và cả người lớn, làm lại sổ gia đình công giáo trong toàn giáo xứ, mở tủ sách giáo xứ và đặc biệt khuyến khích mở mang kiến thức, trau dồi văn hóa, trao học bổng cho các học sinh sinh viên nghèo hiếu học thuộc địa bàn giáo xứ không phân biệt lương giáo. Ngài cũng chú tâm phát triển các đoàn thể trong xứ, từ ca đoàn, giáo lý viên cho đến các đoàn thể theo giới như giới trẻ, gia trưởng, hiền mẫu, tổ chức huấn luyện và sinh hoạt, trại mạc, tạo nên sinh khí cho cộng đoàn.
Cùng với giáo dân vùng Đại Hiệp, Cha quyết tâm xây dựng tại đây một ngôi Nhà thờ. Vào năm 2009, kết quả ban đầu là đã nhận được gần 3000m2 đất ruộng tại xã Đại Hiệp để xây dựng nhà nguyện tại đây. Dù hao công tốn của nhiều, công trình đã được khởi sự bằng việc san lấp mặt bằng và làm nền móng thật cao tránh lụt. Giấc mơ về một ngôi Nhà thờ và cả một tân giáo xứ Đại Hiệp đang ló dạng như ánh bình minh của một ngày mới.
Hiện tình giáo xứ
Qua 80 năm hình thành và phát triển, giáo xứ Ái nghĩa hiện nay:
Số giáo dân: gồm 425 hộ với 1.326 tín hữu trên khoản 60.000 dân, chiếm tỷ lệ: 2,12%, nằm trên địa bàn của 6 xã, thị trấn thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Được phân chia làm 5 Giáo họ:
- Giáo họ Đại Phước: gồm 84 gia đình với 251 tín hữu, thuộc địa bàn thị Ái Nghĩa và một phần xã Đại Nghĩa.
- Giáo họ Đại An – Đại Hoà: gồm 59 gia đình với 176 tín hữu, thuộc địa bàn 2 xã Đại An và Đại Hoà, và một phần thị trấn Ái Nghĩa.
- Giáo họ Đại Cường: gồm 35 gia đình với 103 tín hữu, thuộc địa bàn xã Đại Cường.
- Giáo họ Đại Hiệp: gồm 197 gia đình với 630 tín hữu, thuộc địa bàn xã Đại Hiệp.
- Giáo họ Đại Nghĩa: gồm 50 gia đình với 166 tín hữu, thuộc địa bàn xã Đại Nghĩa.
Sinh hoạt giáo xứ tập trung vào ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng, Vào mổi đầu tháng đều có Thánh lễ ở các giáo họ, được tổ chức tại nhà giáo dân, riêng giáo họ Đại Hiệp đông đúc, Thánh lễ được cử hành vào mỗi tối thứ 6 hằng tuần.
Giáo xứ hiện chỉ có 04 phòng học cho 08 lớp giáo lý từ vở lòng đến trưởng thành với gần 200 em học viên và 8 giảng viên giáo lý. Hằng năm, các lớp giáo lý dành cho những người dự tòng và chuẩn bị hôn nhân được tổ chức đều đặn. Từ đầu Năm Thánh 2010, lớp giáo lý dành cho tông đồ giáo dân được tổ chức vào mỗi tối Chúa nhật hằng tuần, do chính cha sở phụ trách, theo chương trình giáo lý cộng đồng Giáo phận phát động.
Ngoài ra, còn có một số đoàn thể khác như Legio Mariae sinh hoạt khá đều đặn, Nhóm Bác ái Xã hội phụ trách nồi cháo tình thương tại Bệnh viện Bắc Quảng Nam vào 10 ngày đầu mỗi tháng do các nữ tu Dòng Phaolo hổ trợ.
Về việc đóng góp nhân sự cho Giáo Hội, Giáo xứ Ái Nghĩa có Viện phụ Stêphanô Huỳnh Quang Sanh, đương kim Viện phụ Thiên An Huế, Cha Philipphê Lê Văn Vui, dòng Chúa Cứu Thế, đang làm Quản xứ Tiên Phước, Thầy Phó tế Giacobê Nguyễn Hồng Phong, đang học năm cuối tại Đại Chủng Viện Huế. Nữ tu có các Soeur Nguyễn Thị Hoà, Soeur Nguyễn Thị Hường…
Văn hóa trong giáo xứ cũng được cổ võ mạnh mẽ. Hiện nay trong toàn Giáo xứ có 281 học sinh các cấp phổ thông, 69 em là sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Giáo viên Công giáo là 13 người.
Qua những hoạt động tích cực trong công tác mục vụ và truyền giáo, Giáo xứ Ái Nghĩa đang ngày càng chuyển mình. Đức Tin có vào đời thì mới có thể đem đời vào đạo. 80 năm hình thành và phát triển, Ái Nghĩa vẫn là vùng đất truyền giáo. Đây không phải là công việc của riêng ai, nhưng là của toàn Dân Chúa. Năm Thánh 2010 với chủ đề: Giáo Hội là Mầu Nhiệm – Hiệp Thông và Sứ Vụ, là một lời mời gọi thôi thúc mỗi người chúng ta sống hết mình với Giáo Hội, và cùng Giáo Hội, trở thành những người thợ trong cánh đôngd truyền giáo còn bát ngát bao la ở ngay chính trong cuộc sống hằng ngày của mình.
Thông tin được tổng hợp nhiều nguồn từ Internet