Giờ Thánh Lễ Giáo Xứ Nhà Thờ An Ngãi – Giáo Phận Đà Nẵng

nha-tho-an-ngai

Đây là thông tin được tổng hợp trên internet, nếu có bất kỳ vấn kỳ liên quan về bản quyền hình ảnh, nội dung quý anh chị em xin vui lòng cho chúng tôi biết.

Địa chỉ: Xã Hoà Sơn, Huyện Hoà Vang, Đà Nẵng

Quản xứ: Linh Mục Phaolô Đoàn Quang Dân (26/9/2014)

Năm thành lập: 1670

Bổn mạng: Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ

Giờ thánh lễ giáo xứ nhà thờ An Ngãi – Giáo phận Đà Nẵng

  • Chủ nhật: 7h00, 18h30

Lược sử Giáo xứ An Ngãi

Giáo xứ An Ngãi thuộc xã Hòa Sơn huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng chừng 20km về phía tây. An Ngãi là một trong những giáo xứ được các Cố Tây gieo hạt giống Tin Mừng sớm trên quê hương Đà Nẵng. Hiện nay, An Ngãi trở thành một giáo xứ có số giáo đông nhất so với các giáo xứ trong Giáo phận.

nhà thờ an ngãi
Nhà thờ giáo xứ An Ngãi

I. Hình Thành

An Ngãi ngày xưa gọi là Bàu Nghè, nguyên là đất của Chiêm Thành. Theo sử lược Trần Trọng Kim, năm 1471 Vua Lê Thánh Tông đại phá Chiêm – Quốc, thành lập Thừa Tuyên Đạo Quảng Nam, gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. Tuy nhiên, huyện Hòa Vang và Điện Bàn vẫn còn thuộc về phủ Triệu Phong trong đạo Thừa – Tuyên Thuận Hóa. Triều đình đã đưa dân từ Thanh – Nghệ – Tịnh vào khai hoang lập ấp. Họ được Phúc Âm hóa thời nào, do vị thừa sai nào tiếp xúc trước tiên thì không thấy ghi trong lịch sử. Chỉ biết ngày 26 tháng giêng năm 1670, Cố Hainques, một vị thừa sai thuộc Hội Truyền Giáo Balê phụ trách Giáo xứ Hội An đã đáp ứng lời mời của giáo dân Bàu Nghè, đến ở với họ 4 tháng, làm lễ, ban các bí tích và giải vạ cho những người yếu đuối đã chối đạo trong thời gian cấm cách năm 1665 dưới trào Chúa Nguyễn Phúc Tần. Cha Hainques rửa tội thêm 500 tân tòng ở Phường Trạc, Bàu Nghè và Mỹ Sơn, 700 người ở Cửa Hàn và 124 người ở Phường Tây.

Tháng 10 năm 1670 Cha Claude Guyart đến nhận ở Bàu Nghè, thời kỳ này, toàn Tổng đã theo đạo, nên mới có biệt danh Tổng Giáo với số tín đồ 8.000 người và 4 nhà thờ. Cha Guyart qua đời ở Bàu Nghè ngày 24 tháng 5 năm 1673.

Tháng 12 năm 1674 cha Courtaulin gửi tờ trình lên Đức Cha Lambert de la Motte, báo cáo tình hình giáo xứ Bàu Nghè, Cha cho biết giáo dân đã thi hành nghiêm túc chỉ thị của Công Đồng Triđentinô trong phụng vụ. Cha thành lập một nghĩa trang và một trường học trên mặt bằng mà ngày nay còn gọi là Vườn Trường. Cha cắt nghĩa giáo lý Kinh Tin Kính, 7 phép bí tích, 10 điều răn. Chỉ trong vòng hai tháng Cha rửa tội được 358 người, sau đó rửa tội thêm 100 người nữa.

Ngày 01 tháng 01 năm 1677, Cha Courtaulin trình cho Đức Cha Lambert de la Motte biết : Đất làm nhà thờ Bàu Nghè do ông Xã trưởng đã bỏ đạo, nay ăn năn trở lại dâng cúng. Để hợp thức hóa giấy tờ , Cha quyết định làm giấy mua với giá 4 quan tiền, và số tiền này do giáo dân cùng với ngài đóng góp. Có được mãnh đất, ngài quyết định xây dựng ngôi nhà Chúa. Thầy giảng Dominico sợ chính quyền làm khó dễ việc xây nhà thờ và trường học, nên đề nghị Cha lánh mặt một thời gian, nhưng nhờ sự che chở của Thiên Chúa, mọi việc hoàn tất yên lành. Ngôi nhà thờ hoàn tất, ngài được sai đến Phú Chuyên, rồi sau đó ra đến Huế.

Năm 1678 Cha Le Noir đến thay, thấy Bàu Nghè có 4 nhà thờ với số giáo dân trên 8.000, cần phải có Cha ở thường trực, bề trên chấp thuận đề nghị, bổ nhiệm Cha Le Noir làm quản xứ đầu tiên Giáo xứ Bàu Nghè, phụ trách luôn cả 3 giáo xứ kia. Cha Le Noir là vị thừa sai tiên khởi được bổ nhiệm làm Quản xứ với mọi quyền hạn theo Giáo luật. Hai năm sau Cha đi Cambót rồi trở về Ninh Hòa và qua đời tháng 12 năm 1685.

II. Các thời kỳ

Ngày 17 tháng 11 năm 1682 Cha Laneau đến Bàu Nghè thay Cha Le Noir, lúc bấy giờ, miền này đã có 21 nhà thờ, tuy bằng gỗ nghèo nàn đơn sơ. Một số giáo dân mới trở lại đạo, đời sống luân lý đạo đức chưa thấm nhuần tình thần của đạo Chúa nên trong lưu ký của Ngài đã viết: Mỹ Sơn bổn đạo lôi thôi nguội lạnh cho vay đặt nợ, ly dị, vợ 2 vợ 3 làm mất uy tín Bàu Nghè.

Lễ Lá năm 1700 nhà thờ Hàn bị lính xét, đến thứ Sáu Tuần Thánh, một ông Quan dẫn lính đến lục soát nhà thờ Bàu Nghè đang khi Cha Godefroi đang dâng lễ và có đến 600 giáo dân tham dự. Thế nhưng, mọi người mạnh dạn xưng đức tin. Quan truyền đóng gông 4 thầy giảng, buộc giáo dân chịu trách nhiệm giữ Cha sở không cho ra khỏi làng. Quan đòi nộp phạt 400 quan tiền, nhưng nhờ mấy người có đạo ở Cửa Hàn quen thân với Quan tỉnh can thiệp, xin trả tự do cho 4 thầy và nhận lại đồ thờ phượng.

Lễ Phục Sinh sau đó, mọi sự yên ổn trở lại. Cha Godefroi coi sóc 4.000 giáo dân ở rải rác trong nhiều chi họ, sau tăng lên 10.000.  Công việc mục vụ với số giáo dân đông, đi lại khó khăn, làm cho cha sở kiệt. Ngày 06 tháng 7 năm 1715, Cha đi kẻ liệt nửa ngày đường, nắng nóng gây gắt của tháng 7, khi về đến nhà bị cảm sốt nặng, vì thiếu thuốc men, nên 5 ngày sau Cha qua đời. Thi hài Cha Godefro được an táng bên phần mộ Cha Guyart.

Đời Chúa Ninh Vương (1724 – 1737) Giáo hội được bằng yên, nhưng trong cơn bách hại vừa qua dưới thời chúa Minh Vương, số giáo dân giảm mất 1/3. Nguyên của việc giảm sút này là chết vì đạo, chết đói trong tù, trong rừng, hay đã chối đạo.

Năm 1737, Võ Vương lên ngôi, ông ra lệnh bắt đạo, 26 linh mục thừa sai bị bắt trong tháng giêng năm 1750, bị đuổi về nước, chỉ trừ một mình Cha Koffler Dòng Tên được tự do, vì Cha là quan Ngự Y của nhà nước. Đức Cha Leffebvre cũng phải trốn qua Cao Miên và chết bên đó năm 1760. Tháng 7 năm 1775 Cha Halbout gửi tờ trình về Hội Truyền Giáo Balê báo cho biết 2 Giáo xứ Cửa Hàn và Cầu Né bị tiêu diệt hoàn toàn vì chiến tranh. Họ Bàu Nghè đông giáo dân cũng bị thiệt hại nặng nề. Từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, có 600 người chết đói, một địa sở khác có 150 người chết. Lúc này, Quân Tây Sơn đã đốt trên 100 nóc nhà ở Bàu Nghè, các nơi khác cũng chung số phận như vậy.

Năm 1802 Gia Long thống nhất sơn hà, hòa bình tái lập, Bàu Nghè lo gầy dựng lại Giáo xứ, và số giáo dân mỗi ngày gia tăng.

Minh Mạng ngũ niên 1825, ban Sắc chỉ cấm đạo lần thứ nhất, tiếp đến Sắc chỉ thứ hai năm 1833, số người Công giáo bị sát hại nặng nề với hai sắc chỉ này. Bổn đạo Bàu Nghè được vinh dự đón Đức Giám Mục Stêphanô Cuénot Thể Giáo phận Quy Nhơn về ẩn nấp dưới thời cấm cách. Vị Thánh Giám mục này đã ẩn trốn tại đây 16 tháng vào năm 1838, di tích hiện còn một cái giếng cạn và hầm trú ẩn, sau đó sợ ở lâu ngày lộ tông tích, gây phiền lụy cho con chiên, nên Ngài trốn vào Gò Thị. Cuối cùng, Ngài đã bị bắt, và chết trong tù tại đây ngày 14 tháng 11 năm 1861.

Năm 1841 Minh Mạng té ngựa băng hà, Thiệu Trị nối ngôi. Vị vua mới này không tàn ác như vua cha, giáo dân được hưởng một thời gian hòa hoãn, lấy lại sinh khí, chuẩn bị đương đầu với cơn bão tố dữ dằn sắp đến dưới thời Tự Đức và Văn Thân 1885.

Tự Đức Nguyên niên 1848, ban hành Sắc chỉ cấm đạo, và hai năm kế tiếp 1849 – 1850, cả nước bị bệnh dịch tả, và nhiều người chết trong giai đoạn dịch bệnh này. Thiên tai vừa xong thì năm 1851, Tự Đức ban hành Chiếu chỉ cấm đạo thứ hai, rồi một chuỗi Chiếu chỉ kế tiếp. Nặng nề hơn cả là Sắc chỉ Phân Sáp năm 1860, chủ trương phân mỏng người có đạo, bắt mỗi người đi mỗi nơi, sáp nhập với người lương. Đất đai vườn tược, nhà cửa người có đạo hoặc bị đốt hay về tay đồng bào ngoại giáo. Đây là thời Tử Nạn cay đắng của Giáo Hội Việt Nam. Con chiên Bàu Nghè cũng đồng chia số phận hẩm hiu chua xót này với anh em đồng đạo Công giáo khắp nơi.

nhà thờ an ngãi
Nhà thờ giáo xứ An Ngãi

Tháng 3 năm 1862 Cha Đặng Đức Tuấn dâng lên nhà vua 2 tập Điều Trần, Vua Tự Đức bằng lòng chuẩn y những lời thỉnh cầu, hạ chỉ tha nam phụ lão ấu có đạo được lui hồi bản hương.

Giáo dân Bàu Nghè trở về tái thiết lại sau thời gian bị phân chia tang tóc. Hòa bình không kéo dài được bao lâu, năm 1885, phong trào Cần Vương nổi lên, An Ngãi bị quân của Án Nại tức Thống Hai thiêu hủy. Giáo dân bồng bế nhau chạy vào Phú Thượng núp bóng Cố Thiên.

Sau ngày Thống Hai tử trận ở Lộc Hòa, áp lực Cần Vương được giải tỏa, giáo dân An Ngãi lại trở về Giáo xứ của mình.

Qua cơn ác mộng Cần Vương, Giáo xứ An Ngãi hăng hái xây dựng trở lại. Chỉ trong thời gian ngắn, họ đạo này đã lấy lại sức sống, và tiếp tục viết tiếp những trang sử hào hùng sau đó.

Từ năm 1885, An Ngãi đã được hướng dẫn bởi các chủ chăn

1/ Cha Phêrô Lê Du (1887 – 1892)

2/ Cha Antôn Nguyễn Phận

3/ Cha Phêrô Nguyễn Văn Lục

4/ Cha Jeanningros Vị, sau này là Giám mục phó Đức Cha Đamiano Grangeon Mẫn.

5/ Cha Bạch, Thừa sai Pháp.

6/ Cha Phêrô Nguyễn Văn Khoa

7/ Cha Emlie Laborier Hảo

8/ Cha Giuse Hậu

9/ Cha Phaolô Thì

10/ Cha Augustino Nguyễn Thanh Long

11/ Cha Micae Ngô Trung Lành

12/ Cha Phaolo Nguyễn Tưởng

13/ Cha Phaolo Nguyễn Biên

Vào thời điểm này cách mạng tháng tám bùng nổ, Ủy ban toàn quốc khởi nghĩa kêu gọi tiêu thổ kháng chiến. Giáo dân An Ngãi, Phú Thượng phải bỏ nhà cửa tản cư lên rừng sâu nước độc Cao Sơn, Phú Trung, Hòa Mỹ ẩn trốn.

Cha Lê Văn Ấn, sau khi du học ở Roma về, Ngài được sai đến với đoàn chiên An Ngãi. Về nhiệm sở trong thời chinh chiến, cha đem hết khả năng giúp con chiên, giúp sống ấm no đạo đức, sửa sang nhà cửa, mở mang trường học, phát động công tác bác ái từ thiện, giúp đỡ người nghèo khổ bệnh tật.

Năm 1956, Cha Giuse Ấn đổi về Đà Nẵng. Và năm 1965, Ngài được Tòa Thánh Bổ nhiệm Giám mục Chính Tòa Giáo phận Xuân Lộc, và qua đời tại đó.

nha tho an ngai 3 | Anh Khoa Company | Scooter Rental Hoi An | hoianit.com
Nhà thờ giáo xứ An Ngãi

Thay vào đó là Cha Luis Huỳnh Nhẫn, người Gò Thị, con cháu của thánh Anre Kim Thông. Chính ngài đã có công xây dựng cây tháp trước tiền đường.

Từ năm 1958- 1962, An Ngãi được coi sóc bởi Cha Dominico Chân Phận.

Từ năm 1963- 1965, Cha Phêrô Nguyễn Đức Mân tiếp nối hướng dẫn đàn chiên An Ngãi. Lúc này giáo xứ cùng ngài đã xây dựng hang Lộ Đức, nhất là ngài kêu gọi đoàn chiên sùng kính Đức Mẹ trên đồi Cây Sơn.

Cha Phêrô Trần Anh Tước, quản xứ từ 1966-1970.  Lúc này, số giáo dân đông hơn, Giáo xứ đã nới rộng nhà thờ, chỉnh sửa cung thánh thêm khang trang thoáng rộng.

Từ năm 1970- 1992, An Ngãi được dìu dắt bởi Cha Phaolô Võ Hữu Tư. Ngài từ giả Vĩnh Điện về làm quản xứ An Ngãi kiêm hạt trưởng Hòa Khánh. Tuy tuổi già sức yếu, song tinh thần phục vụ rất cao, Ngài đã đem hết sức lực của ngài để phục vụ nơi đây, ngài đã có công mở lại chi họ Hòa Mỹ, tu bổ lại ngôi tháp nhà thờ.

Từ Năn 1992-1994 Cha Goan B. Nguyễn Văn Đán từ Phú Thượng về làm quản xứ An Ngãi. Tuy thời gian quá ngắn, nhưng với tài trí Ngài đã đổi mới, củng cố lại ban đại diện Giáo dân, các đoàn thể, cũng như quan tâm đến nghi thức phụng vụ trong dân thánh tại đây. Đặc biệt, thời gian này, giáo xứ đã trùng tu xây dựng lại nhà xứ và xây mới nhà thờ giáo họ Hội Yên. Mới làm quen với đoàn chiên chưa đầy 2 năm, vì do nhu cầu của Giáo phận, Ngài về Tòa Giám Mục với chức vụ Tổng đại diện, hiện ngài là giám đốc Đại Chủng Viện Huế. Trong thời gian này, có cha Phó Anton Trương Gia Ninh phụ giúp với ngài, hiện là quản xứ Gia Phước.

Cha Gioakim Trần Kim Thượng coi sóc An Ngãi từ 1994-2009. Mới về nhận xứ, thấy nhu cầu sinh hoạt của giáo xứ mỗi ngày một lớn cho phù hợp với đà phát triển của thành phố Đà Nẵng, Ngài cùng với giáo xứ xây dựng lễ đài ngoài trời, sắm sửa âm thanh để cử hành các thánh lễ lớn với lượng giáo dân đông đúc. Giáo xứ cũng làm sân và con đường lên nhà thờ, sửa chữa và quét vôi mới toàn bộ nhà thờ, đóng mới toàn bộ ghế ngồi, làm cho khuôn viên nhà thờ thêm khang trang sạch sẻ hơn. Giáo xứ khởi công xây dựng nhà hội, nhà giáo lý kiên cố, để cho giáo xứ cũng như các em thiếu nhi có nơi học tập, hội họp sinh hoạt. Không dừng lại ở đó, một lúc hai công việc: Giáo xứ bê tông hóa con đường lên nghĩa địa, lập nên khu đất dành riêng để an táng các linh mục trong Giáo phận qua đời tại trung tâm nghĩa địa của giáo xứ, và xây mới lễ đài tại đồi Núi Sọ, nơi cử hành Thánh lễ Tro khai mạc Mùa chay hằng năm của Giáo phận. Để cho khuôn viên nhà thờ được mở rộng khang trang, có nơi sinh hoạt, giáo xứ đã mua thêm một thửa đất của một người giáo dân trong xứ. Ngoài ra, giáo xứ còn xây dựng tượng đài Thánh Giuse để đoàn chiên sớm hôm cầu nguyện. Vì lớn tuổi, Ngài đã được Đức cha Giuse thuyên chuyển về quản xứ Cẩm Lệ nhỏ hơn để bớt gánh nặng cho Ngài. Tạ ơn Chúa qua 15 năm phục vụ tại An Ngãi!

Trong 15 năm Quản xứ An Ngãi, Cha GioaKim đã có được các cha phó phụ giúp:

1. Cha Daminh Trần Công Danh (2001-203)

2. Cha Giuse Nguyễn Văn Khang (2003- 2005)

3. Cha Giuse Hoàng Quốc Duy Linh (2005-2007)

4. Cha Phêro Trần Công Thạnh (2005-2008)

5. Cha Đaminh Nguyễn Công Chính (2006-2009)

III. Hiện Tình Giáo xứ

Từ ngày 25 tháng 8 năm 2009, Cha Giuse Nguyễn Văn Thú sau thời gian du học Philiphin về, Ngài được sai đến với đoàn chiên An Ngãi. Ngài đã đem hết tài trí đã tích lũy và học tập được để xây dựng và đổi mới giáo xứ mỗi ngày cho hợp với đã tiến của xã hội. Ngài đã đưa ra nhiều chương trình về giáo dục đức tin cũng như về giáo dục nhân bản cho con em thiếu nhi trong giáo xứ. Hiện ngài rất quan tâm đến vấn đề giáo dục trong giáo xứ, hầu đào tạo thế hệ tín hữu trưởng thành thật sự về mọi mặt trong tương lai. Phụ giúp lúc này với ngài có Cha phó Đaminh Phan Châu Bảo.

Bên cạnh cha quản xứ, cha phó còn có sự hổ trợ đắc lực của cộng đoàn nữ tu dòng Thánh Phaolo Đà Nẵng. Các nữ tu hằng ngày hăng say phục vụ, hầu đưa giáo xứ mỗi ngày một đi lên, xứng tầm với một giáo xứ lớn, kỳ cựu trong Giáo phận.

Theo thống kê hiện nay, Giáo xứ An Ngãi có khoảng 4805 giáo dân, 1180 hộ. Giáo xứ được tổ chức bởi hội đồng giáo xứ, các hội đoàn như Lêgio, Hùng Tâm Dũng Chí, và các giới sinh hoạt cũng đều đặng như Giới Hiền Mẫu, Gia Trưởng, Lão Thành, Trung Niên, và cả giới trẻ. Tất cả góp phần làm cho xứ đạo tràn đầy sức sống.

 Nhờ công lao của bao tiền nhân anh hùng mà Giáo xứ An Ngãi ngày hôm nay lớn mạnh như cây cổ thụ sum sê, và cũng như Phú Thượng, Trà Kiệu qua bao thế hệ, An Ngãi đã hiến dâng cho Giáo hội nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ. Hiện nay, có một số linh mục đang sống và phục vụ tại Giáo phận nhà:

1. Đức Cha Fx. Nguyễn Quang Sách, đang nghỉ hưu tại Tòa Giám Mục

2. Cha Anton Nguyễn Trường Thăng, hiện quản xứ kiêm hạt trưởng Hội An

3. Cha Phêro Trần Công Thạnh, quản xứ Hội Yên

4. Cha Anton Nguyễn Thanh Vũ, phó Tam Kỳ

5. Cha Phaolo Lê Tấn Kính, hiện đang học tại Sài Gòn.

Giáo xứ An Ngãi có được ngày hôm nay cũng đã trải qua những thăng trầm buồn vui trong suốt chặng đường dài. An Ngãi cổ kinh ngày xưa đã có nhiều thay đổi tích cực theo đà tiến triển chung của xã hội. Tuy nhiên, cũng không thiếu những bóng đen tiêu cực. Mỗi người, mỗi gia đình, và cả giáo xứ hãy cố gắng duy trì những nét đẹp vốn có, để làm muối, làm men trong môi trường sống. Những gì chưa tốt làm ảnh hưởng đến việc loan báo Tin Mừng, mỗi ngày hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến canh tân, đổi mới trong chính tâm hồn cũng như gia đình và giáo xứ, hầu làm cho Nước Chúa được cả sáng trên quê hương An Ngãi.

Kính chúc mọi người ơn bình an của Đức Kitô Phục Sinh.

Có thể bạn quan tâm: thuê xe máy Hội An

Rate this post