Gắn camera, ai dám chắc trẻ mầm non không bị bạo hành?

lắp đặt camera tại Hội An

Ngoài chi phí cao, việc gắn camera khiến giáo viên bị áp lực khi phụ huynh liên tục ‘làm phiền’. Thậm chí có camera trẻ vẫn bị đánh, cho thấy camera không phải giải pháp tối ưu ngăn bạo hành trẻ.

Điển hình là sự việc xảy ra ở lớp mẫu giáo tư thục Ánh Sao, H.Hóc Môn, TP.HCM ngày 16-6, dù có camera quan sát, cô nuôi dạy trẻ vẫn tát liên tiếp vào mặt một cháu bé làm bé ngã dúi dụi xuống đất.

Chưa đồng thuận

Trước đó, sau sự việc bạo hành trẻ ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh cuối năm 2017, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở GD-ĐT TP rà soát, nghiên cứu và báo cáo UBND TP để thực hiện thí điểm gắn camera tại 100% cơ sở giáo dục mầm non ở Q.1, Q.12 và H.Hóc Môn.

Từ chủ trương trên, nhiều trường mầm non đang lo ngay ngáy. “Kinh phí lắp camera khoảng 100 – 400 triệu đồng tùy mỗi trường. Cơ sở của chúng tôi đa số phụ huynh là lao động nghèo, tiền ăn của con mà nhiều tháng phụ huynh còn phải khất nợ thì tiền đâu mà góp để lắp camera?” – phó hiệu trưởng một trường mầm non ở vùng ven TP.HCM chia sẻ.

Chưa kể kết quả khảo sát (của Sở GD-ĐT TP.HCM) về nhu cầu của giáo viên mầm non và cha mẹ trẻ ở tất cả các trường, nhóm, lớp mầm non công lập, tư thục (ở Q.1, Q.12 và H.Hóc Môn) trong việc lắp đặt camera cũng chưa thấy sự đồng thuận cao.

Với nội dung lắp đặt camera tại lớp để quan sát hoạt động của cô và trẻ: chỉ có 48% giáo viên đồng ý, 52% không đồng ý với lý do sẽ vi phạm sự riêng tư của cả học sinh và giáo viên. Về phía phụ huynh: 88% đồng ý, 12% không đồng ý.

Với nội dung: hình ảnh hoạt động của trẻ tại lớp được công khai rộng rãi cho phụ huynh truy cập và xem: 48% phụ huynh đồng ý, 52% không đồng ý do không muốn hình ảnh con mình phát tán rộng rãi.

Với nội dung: hình ảnh từ camera để ban giám hiệu nhà trường kiểm tra giám sát hoạt động của cô và trẻ tại lớp, chỉ có 27,8% giáo viên đồng ý, số còn lại không đồng ý vì việc lắp camera sẽ khiến họ có cảm giác mất tự nhiên, lo lắng mình sẽ mắc lỗi, giáo viên cảm thấy cấp trên thiếu tin tưởng…

Những hệ lụy từ camera

Cô T. – giáo viên một trường mầm non tư thục ở Q.Bình Tân, TP.HCM”Thời gian đầu, khi nhà trường mới lắp camera tôi rất sốc. Sốc vì phụ huynh cứ gọi điện thoại liên tục trong giờ làm việc. Ở nhà, qua màn hình, phụ huynh thấy bé đi từ toilet ra nhưng loay hoay với cái quần có dây kéo cũng gọi đề nghị giúp bé.

Bé ăn nhanh nên ăn xong trước các bạn, ra khu đồ chơi để chơi cũng gọi hỏi: “Sao bé không được ăn cơm?”. Đối với học sinh có óc tưởng tượng tốt, các bé có thể ngồi “nói chuyện” rất lâu với các con vật là đồ chơi.

Có bữa, một bé ngồi xuống nói chuyện với con chim trong bức tranh vẽ ở trên tường. Mẹ bé ở nhà gọi điện thoại ngay: “Cô phạt bé đứng quay mặt vào tường hả? Tại sao lại phạt?…” – cô M., giáo viên một trường mầm non tư thục ở Q.Gò Vấp, kể.

Theo cô M.: “Phụ huynh cưng con và suốt ngày ngồi xem camera. Trong khi đó, công việc của giáo viên mầm non luôn chân luôn tay, chỉ cần sơ suất tí xíu là các cháu đã cào nhau, xô đẩy nhau… Vậy mà từ khi có camera, phụ huynh cứ gọi liên tục, ảnh hưởng rất nhiều đến việc chăm sóc trẻ của giáo viên”.

Chưa hết, cô T., giáo viên ở Q.12, kể trong sự ấm ức: “Có bữa tôi thay quần áo cho học sinh, thấy trên người bé có vết dơ nên tôi dùng khăn lau qua lau lại hơi mạnh tay cho hết dơ. Thế là phụ huynh gọi đến ngay: Sao cô đánh cháu?”.

Trong khi đó, cô T.H., giáo viên một trường mầm non tư thục ở Q.7, nói: “Với phụ huynh, có thể camera sẽ làm cho họ yên lòng, nhưng với giáo viên chúng tôi thì thực sự là một áp lực rất nặng nề.

Áp lực đầu tiên là các cuộc gọi từ phụ huynh: gọi liên tục và chất vấn đủ điều. Tôi giải thích họ cũng không tin và tiếp tục gọi cho ban giám hiệu. Tiếp theo sẽ là ban giám hiệu xuống lớp hỏi han, sự thật là điều tra những điều phụ huynh nói”.

Phải bắt đầu từ con người

TP.HCM hiện có 0,9% trường mầm non công lập, 4,48% trường mầm non tư thục, 10,1% nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có gắn camera trong lớp học. Nhiều phụ huynh khi đi tìm trường mầm non cho con đã đưa tiêu chí “có camera” lên hàng đầu. Ai cũng nghĩ có camera theo dõi thì các cô nuôi dạy trẻ sẽ không dám đánh học sinh.

TS Lê Xuân Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, cho rằng: “Camera chỉ là biện pháp hỗ trợ ban giám hiệu trong công tác quản lý, chứ không phải biện pháp tối ưu chống bạo hành trẻ.

Mặc dù nhà trường lắp camera thì vẫn có những góc khuất và cô giáo vẫn có thể bạo hành trẻ trong những góc khuất đó. Vì vậy, việc chống bạo hành trẻ phải bắt đầu từ con người, chứ không phải từ máy móc”.

Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở Q.2 cho rằng: “Có một thực tế khá phũ phàng là nhiều cô bảo mẫu đi trông trẻ chỉ vì họ không chọn được một công việc nào tốt hơn. Đây là nỗi lo lớn nhất của hiệu trưởng các trường mầm non.

Ban giám hiệu có nhắc nhở, có răn đe, có tập huấn… nhưng hình như chỉ có các cô yêu trẻ mới “thấm” những bài học ấy. Ban giám hiệu trường cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc… nhưng không thể kiểm tra 24/24 giờ. Chỉ trong một phút nóng giận, cô giáo không kiềm chế được mà đánh cháu là tất cả tan nát hết”.

Không nên thực hiện 100%

“Việc gắn camera không nên thực hiện ở 100% trường mầm non vì nó gây áp lực tâm lý cho giáo viên. Camera cũng không thể giám sát hết các hành động bạo hành vì trong trường vẫn có những góc khuất. Bên cạnh đó, chi phí cho việc lắp camera rất tốn kém, trong khi tiền để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, dinh dưỡng cho trẻ hay đời sống cho giáo viên vẫn còn thiếu thốn” – TS Phan Thị Thu Hiền, trưởng khoa giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ.

TS Lê Xuân Hồng kết luận: “Yếu tố chính để chống bạo hành trẻ là đổi mới phương pháp bồi dưỡng, tập huấn cho cô nuôi dạy trẻ. Bồi dưỡng về kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ, lòng yêu nghề, tăng cường sự giám sát của ban giám hiệu nhà trường…”.

Theo TTO

Thông tin hữu ích:

Rate this post